Có nhiều nguyên nhân gây ra mụn trứng cá như: do chế độ ăn uống, nội tiết... Một số ý kiến khác lại cho rằng mụn trứng cá do gan nóng gây nên.
Nguyên nhân
Theo các tài liệu bệnh học, nguyên nhân chính hình thành nhân mụn trứng cá là sự tăng tiết bã nhờn. Sự bài tiết của tuyến bã nhờn chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoóc môn sinh dục nam (Androgen - hoóc môn này được tiết ra ở cả cơ thể phụ nữ).
Khi hoóc môn này hoạt động mạnh sẽ kích thích các tuyến bã nhờn tăng tiết, đào thải chất bã ra ngoài. Các chất bụi bẩn, tế bào bị chết (da bị sừng hóa)… khiến cho miệng lỗ chân lông bị bịt kín nên chất bã nhờn tiết ra không đào thải kịp. Tác động của vi khuẩn có sẵn trong nang lông tuyến bã (P. acnes) và bội nhiễm của một số vi khuẩn khác như tụ cầu, P.ovale… gây nên tình trạng mụn mủ, mụn bọc với biểu hiện sưng, nóng đỏ đau.
Trường hợp không bị nhiễm trùng sẽ tạo thành mụn đầu trắng, bị bịt kín. Khi mụn đầu trắng bị hở ra bên ngoài gặp hiện tượng oxy hóa thì phần ngoài của nhân mụn sẽ trở thành màu đen (gọi là mụn đầu đen).
Một số yếu tố làm bệnh trứng cá nặng thêm như stress, mất ngủ, thay đổi nội tiết (kỳ kinh nguyệt…), rối loạn tiêu hoá (táo bón), ăn đồ cay nóng, uống rượu bia nhiều… Ngoài ra, việc chăm sóc da không đúng cách như nặn mụn, sử dụng mỹ phẩm không hợp với da và lạm dụng chế phẩm bôi ngoài da chứa Corticoid (Dexamethasol, Betamethazol…) cũng là nguyên nhân gây mụn.
Những yếu tố chính hình thành mụn trứng cá
Yếu tố bên ngoài: vệ sinh da chưa đúng cách, lỗ chân lông bị bít, thiếu thông thoáng, nguồn nước, sử dụng thuốc, thời tiết nóng ẩm, thực phẩm...
Yếu tố bên trong: Quá trình tăng tiết bã nhờn, mất cân bằng về độ acid, kiềm, khuẩn P-acnes, hoạt động tăng tiết androgen, bộ phận lọc (thận, gan) yếu...
Yếu tố tinh thần: căng thẳng thần kinh, mất ngủ,
4 cấp độ mụn thường gặp :
Các loại mụn trứng cá
- Mụn bọc to: Đây là dạng mụn nổi gò lên, trong chứa nang mủ, thường xảy ra ở phái nam. Các khối u hạt viêm có thể chuyển thành áp xe, rò mủ, về sau thành sẹo cứng, lõm da xuống rất xấu. Đây là dạng mụn của các em trai, thường ở lưng hay mặt trước ngực. Ở phái nữ, loại mụn này thường kết hợp với bệnh nam hóa.
-Mụn dạng conglobata: Theo sau mụn bọc to, các loại mụn to lên, đau nhiều, mụn tụ lại thành đám và rò mủ ra da. Bệnh kéo dài đến tuổi trưởng thành và gây nhiều sẹo xấu.
- Mụn thể nặng: Là loại mụn conglobata có đi kèm theo sốt, đau nhức các khớp xương và ảnh hưởng đến toàn trạng người bệnh. Nơi mụn bị loét, đóng vảy, chảy máu.
Mụn ở trẻ em
- Trẻ nhỏ: Xảy ra khoảng 3 đến 6 tháng sau khi sinh, mặt có còi mụn và mụn. Bệnh này chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn do ảnh hưởng kích thích tố nam của người mẹ.
- Mụn ở trẻ lớn: Thường ít gặp, là mụn đa dạng của trẻ vị thành niên, xảy ra ở những đứa trẻ cha mẹ bị mụn nhiều.
Mụn ở người lớn
Bệnh tích viêm là chủ yếu
- Ở đàn ông: Bệnh tích chủ yếu ở cổ và lưng dạng conglobata hay dạng mụn nặng.
- Ở phái nữ: Chủ yếu là mụn do kích thích tố, thường xảy ra quanh miệng và vùng hàm dưới.
Các thuốc tránh thai có androgène và progestérone có thể gây ra và làm mụn nặng thêm.
Nếu người bệnh có triệu chứng nam hóa, phải tìm xem có u thượng thận hay u buồng trứng không. Đặc biệt, triệu chứng này ở phụ nữ có thể do yếu tố tâm lý.
Bệnh mụn thứ phát
Xảy ra do dùng mỹ phẩm, tiếp xúc với các tác nhân vật lý, hóa học hay do dùng thuốc.
- Mụn do dùng mỹ phẩm: Dạng còi mụn hoặc những nang nhỏ ở quanh miệng. Bệnh xảy ra do dùng mỹ phẩm có nhiều chất nhờn, không thích hợp với da.
- Mụn do tiếp xúc với các hóa chất.
- Mụn do nghề nghiệp: Do tiếp xúc với chất hydrocarbures (có trong dầu hỏa), tạo thành còi mụn hay nốt mụn ở da nơi tiếp xúc.
- Các tác nhân vật lý như tia X, tia Cobalt có thể gây mụn nhiều tuần sau khi xạ trị. Tia tử ngoại trong ánh mặt trời có tính chất diệt trùng nhưng cũng gây mụn.
- Mụn do dùng thuốc trị bệnh: Thường ở dạng viêm nhiều hơn là tạo thành còi mụn.
Các loại thuốc gây nổi mụn thường gặp là loại Corticoides dùng bôi mặt hay uống; các loại thuốc có chất Halogène như Brome (Calcibronat), iốt (thuốc trị bướu tuyến giáp trạng ở cổ), Cobalt (có trong sinh tố B12), Flour (có trong kem đánh răng).
Các thuốc trị động kinh như Gardénal, Diphénylhydantoine, Trimetadoine nếu được dùng một thời gian dài cũng có thể gây nổi mụn ở người lớn.
Một số loại thuốc khác cũng có thể gây mụn như: Muối của Lithium, Rifampicine, các loại thuốc chứa chất Progestérone tổng hợp.